1. Giai đoạn tiền thân
Trên thế giới bệnh lý cơ xương khớp đã được mô tả từ rất lâu như bệnh gút được Hippocrate mô tả từ những năm 460-375 trước Công nguyên, là bệnh đau của các vua và là vua của các chứng đau. Hiện nay bệnh lý cơ xương khớp thuộc chuyên ngành Thấp khớp học và được xếp vào chương thứ XIII trong bảng phân loại bệnh tật quốc tế (ICD- WHO 2012). Ở nước ta từ xưa các bệnh Thấp khớp học được nhắc đến trong các tài liệu của Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông, các bệnh Thấp khớp học được coi chung là chứng tí. Đến thế kỷ XVIII-XIX, y học hiện đại được du nhập vào Việt Nam từ phương Tây. Đầu thế kỷ XX khi chính quyền thực dân thành lập các bệnh viện và các trường đào tạo đội ngũ y bác sĩ phục vụ cho y học phương Tây một cách chính thống và rộng rãi tại các thành phố lớn như: bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Chợ Rẫy, trường Đại học Y Hà Nội…
Năm 1911, bệnh viện Bạch Mai được thành lập trên cơ sở từ Nhà thương Cống vọng chuyên để điều trị bệnh nhân truyền nhiễm. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bệnh viện Bạch Mai đã trải qua những thăng trầm của lịch sử đất nước để đến ngày hôm nay bệnh viện đã được 108 năm xây dựng và phát triển, đã lớn mạnh và trở thành một bệnh viện lớn nhất trong cả nước, là bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của cả nước, với quy mô giường bệnh là 2500 giường, trong đó có những viện, trung tâm, khoa, phòng và một bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam.
Năm 1960, vào năm thứ 5 sinh viên Đại học Y Hà Nội, nhà trường phân công sinh viên về các chuyên khoa học 1 năm thì ra trường. Thời đó phân chuyên khoa không theo nguyện vọng mà hoàn toàn theo sự phân công của nhà trường. Chi bộ dựa vào lý lịch của mỗi người và nhận xét 5 năm học của chi đoàn. Phân công được chia làm nhiều chuyên khoa nhưng đông nhất là 4 khoa lâm sàng chính: Nội, Ngoại, Sản, Nhi. Các bác sĩ chuyên khoa nội lúc đầu có các bs Trần Đức Thọ, bs Mai Thế Trạch, bs Lê Huy Liệu, bs Võ Phụng, bs Trần Chất, bs Trần Ngọc Ân, bs Nguyễn Khắc Hiền cùng 4 bs được giữ lại từ khóa trước bs Vũ Văn Đính, bs Đào Văn Chinh, bs Nguyễn Văn Thành, bs Nguyễn Thanh Niên, sau vài tháng có thêm bs Vũ Ngọc Quế từ chuyên khoa Giáo Vụ, bs Phạm Gia Khải từ Sinh lý và bs Nguyễn Khánh Trạch từ vi trùng chuyển về. Nhóm nội khoa của năm 1960 lúc này mới có 13 người; tổ trưởng là bs Vũ Ngọc Quế, tổ phó là bs Trần Đức Thọ do nhà trường chỉ định, tiếp sau đó năm 1961 và 1962 bổ sung thêm bs Chu Văn Ý, bs Đinh Văn Tài, bs Nguyễn Quang Cừ, bs Hùng, bs Dĩnh, bs Định…Thời gian này khoa nội rất lớn gồm 8 phòng của khu nhà C, phòng A9, phòng A1 và A3, cộng lại có 11 phòng bệnh khoảng trên 400 giường bệnh dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Đặng Văn Chung, các bác sỹ giúp việc Đỗ Đình Địch, bs Nguyễn Ngọc San, bs Đỗ Nguyệt, bs Nguyễn Xuân Huyên, bs Vũ Đình Hải, bs Bạch Quốc Tuyên, bs Nguyễn Thị Trúc, bs Ngô Ứng Lân… Nhóm nội khoa được phân công làm việc ở các phòng dưới sự chỉ đạo của các bác sĩ trên;, mỗi người còn nhận thêm nhiệm vụ các buổi sáng xuống khoa Giải Phẫu Bệnh dự mổ tử thi những ca bệnh chết từ hôm trước để mang biên bản mổ về báo cáo ở giảng đường C vào các buổi sáng giao ban toàn khoa. Vào thời gian này, các phòng của khoa Nội được xếp theo các nhóm bệnh, phòng C1,3 Tim Mạch, C5 Huyết Học, C7 Xương Khớp, C2 Hô Hấp, C4 Nội Tiết, C6 Thận Tiết Niệu, C8 Tiêu Hóa, A9 Cấp Cứu, A1, A3 tổng hợp. Hàng ngày giao ban toàn khoa ở giảng đường C; GS Chung đi buồng điểm bệnh và giảng tại chỗ mỗi sáng đi từ 2 đến 3 buồng. Từ 1960 đến 1969, một số chuyên khoa đã được tách ra hình thành gần như là một chuyên khoa như Tim Mạch, Tiêu Hóa, Huyết Học, Nội Tiết, Cấp Cứu. Bs Trần Ngọc Ân đã trải qua các buồng A1,3, A9; khu C; Phòng khám Nội; hàng ngày giảng dạy cho các đối tượng Y2, Y3, Y4 và Y6, sinh hoạt ở bộ môn Nội Triệu Chứng do BS Nguyễn Xuân Huyên phụ trách; Bác sĩ Trần Ngọc Ân đã thử làm từ 1 đến 2 năm theo các chuyên khoa Tiêu Hóa, Huyết Học, Cấp Cứu, Nội chung… nhưng chưa thấy chuyên khoa nào gây sự thích thú đặc biệt.
A9 những ngày chuẩn bị ra đời của chuyên khoa Khớp:
Khoảng tháng 5 năm 1969, lúc này chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ đang dữ dội. Bệnh viện Bạch Mai phải thực hiện các biện pháp phòng tránh: tất cả các bệnh phòng ở trên gác đều phải đưa xuống đường hầm ở khu nhà C (đường hầm này trước đây dùng để chuyển xác bệnh nhân tử vong xuống khu nhà xác) nay xếp giường bệnh ở đó, số giường nội trú còn rất ít. Ở phòng A9 ngoài cấp cứu còn một số bệnh nhân nội chung, ở đây ngoài BS Vũ Văn Đính còn có các bác sĩ Trần Ngọc Ân, Bs Chu Văn Ý, BS Hoan, BS Xang, Bs Chất, Bs Hiền. Khoa Nội ngoài chuyên khoa Tim Mạch, Cấp Cứu, Tiêu Hóa, Huyết Học, Nội Tiết đã được định hình và có người cần phụ trách, tuy nhiên chưa được gọi là khoa; những phần còn lại của khoa nội đã đến lúc cần tách ra… Bs Trần Ngọc Ân đã đề đạt với giáo sư Đặng Văn Chung cho được thành lập chuyên khoa Cơ Xương Khớp, BS Nguyễn Văn Xang cũng xin thành lập chuyên khoa Thận, BS Chu Văn Ý xin thành lập chuyên khoa Hô Hấp. Do việc tách ra này chỉ là chuyên khoa nằm trong chuyên khoa Nội nên không cần xin ý kiến của lãnh đạo bệnh viện và Bộ Y Tế, nên GS Chung đồng ý cho mỗi chuyên khoa một số giường bệnh nằm trong phòng A9; BS Trần Ngọc Ân được phân 2 giường bệnh cùng với 2 bác sĩ Nguyễn Xuân Nghiên và bs Lê Thị Hồng Hà. Sau vài tháng nhận và điều trị bệnh nhân về xương khớp, chẩn đoán và điều trị có nhiều kết quả, 2 bệnh nhân đầu tiên được điều trị ở đây là một ca nữ trung niên ở phố Huế (Hà Nội) bị viêm khớp dạng thấp và một ca sinh viên nữ trẻ hơn bị ung thư xương cánh chậu. Thuốc điều trị rất khan hiếm, chỉ có aspirin, salicilat, paracetamol. Phòng C4 Cơ Xương Khớp và Nội Tiết: mô hình thầy trò cùng quản lý bệnh phòng: Sau một thời gian chiến tranh oanh tạc miền Bắc, Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom bắn phá; vấn đề sơ tán và phòng không đã nới lỏng, bệnh nhân vào viện điều trị tăng lên, nhu cầu về số giường ở A9 không đủ cho các chuyên khoa, bs Trần Ngọc Ân đề xuất với GS Chung và bộ môn xin chuyển lên phòng C4 tầng 2 khu nhà C, xin triển khai cả 1 phòng với 40 giường bệnh; Khoa và bệnh viện đồng ý nhưng với điều kiện là bệnh viện không có bác sỹ không có nhân viên để xếp vào đây, để khắc phục vấn đề này bs Trần Ngọc Ân đã báo cáo với lãnh đạo khoa, với chi bộ cho phép nhân viên và sinh viên nhà trường hoàn toàn đảm nhiệm mọi công việc của phòng này… sau một thời gian nghiên cứu, đề xuất được chấp nhận. Phòng C4 được triển khai nhận bệnh nhân với 40 giường bệnh cho 2 chuyên khoa Cơ xương khớp và Nội tiết. Phòng có 1 trưởng phòng, 4 bác sĩ 1 y tá trưởng và 1 y công, tất cả đều là người của bộ môn, bs Trần Ngọc Ân được cử làm trưởng phòng, bs Lê Huy Liệu, bs Trần Đức Thọ, bs Mai Thế Trạch phụ trách 1 nửa số giường bệnh nhân nội tiết, một nửa kia là bệnh nhân Cơ xương khớp do bs Trần Ngọc Ân và một bác sĩ bệnh viện Lê Thị Hồng Hà phụ trách, y sĩ Nguyễn Văn Vinh làm y tá trưởng, bác Quy phụ trách công việc hộ lý của khoa… các lớp sinh viên đang thực tập ở khoa Nội phụ trách công tác điều trị và y tá, hộ lý. Đầu tiên thầy trò tiến hành tổng vệ sinh khoa phòng, sau đó xuống kho trang thiết bị của bệnh viện nhặt nhạnh giường bệnh, bàn ghế tủ khiêng vác lên sắp xếp cho đủ trang bị cho một phòng bệnh; sau vài ngày dọn dẹp sắp xếp đã có thể nhận bệnh nhân và phòng C4 với 2 chuyên khoa bắt đầu hoạt động … vài tháng sau bệnh viện đã bắt đầu bổ sung thêm nhân viên là người của bệnh viện và mô hình thầy trò đảm nhiệm toàn bộ công việc của một phòng bệnh chấm dứt mà không để xảy ra sai sót gì. Sau đợt ngừng ném bom miền Bắc lần thứ nhất đế quốc Mỹ oanh tạc trở lại, bệnh viện Bạch Mai sơ tán triệt để hơn lần trước, hầu như chỉ để lại khoa Cấp Cứu và Ngoại Chấn Thương; các khoa hệ nội nói chung sơ tán đi các nơi chủ yếu là về Hà Tây. C4 sơ tán và cùng các khoa phòng đều không còn bệnh nhân.
Dấu ấn C4.
Trong suốt những năm từ 1970-1976 chuyên khoa CXK cùng đồng hành với Nội Tiết ở phòng C4. Sau khi BS Nguyễn Xuân Nghiên đi học ở CHDC Đức về phục hồi chức năng, bác sĩ Hồng Hà chuyển sang phòng Cấp Cứu, bệnh viện bổ sung thêm BS Hoàng Đình Thụ về Cơ xương khớp, BS Thụ là bộ đôi chuyển ngành về học ở trường Đại Học Y, là Đảng viên nên sau khi ra trường được giữ lại phụ trách một tổ sinh viên với chức năng Tiểu Đội trưởng theo quy định tổ chức của trường Y dưới thời hiệu trưởng Nguyễn Trinh Cơ chuyển vê bệnh viện Bạch Mai làm BS điều trị ở khoa nội và được phân công về C4. Trong 6 năm chuyên khoa CXK làm được khá nhiều việc: nghiên cứu dùng chiết xuất lá cây Sài đất để điều trị nhiễm trùng mủ do tụ cầu vàng, công trình đăng kí cấp nhà trường có phần Dược lý, thực nghiệm trên súc vật và Lâm sàng. Dùng nọc ong sống để điều trị chống viêm giảm đau trong viêm khớp; công trình nghiên cứu này được giáo sư Chung giao cho chuyên khoa Khớp kết hợp với Tiến sĩ Nguyễn Năng An tiến hành, trên phòng C4 nuôi 3 tổ ong mật trong các hộp nuôi ong bằng gỗ, hằng ngày cho ong ăn bằng nước đường. Các bác sĩ và sinh viên đang thực tập ở C4 (thường là sv y4), thầy trò bắt ong rồi cho đốt xung quanh khớp viêm, nhiều sinh viên sau khi ra trường vẫn còn nhắc mãi những kỉ niệm bắt ong điều trị bệnh nhân ở phòng C4. Công trình “ Đánh giái phương pháp tác động cột sống của lương y Nguyễn Tham Tán trên bệnh nhân viêm cột sống dính khớp ” đề tài này do Bộ Trưởng bộ Y Tế đề nghị GS Chung nhận xét, GS Chung giao cho chuyên khoa Khớp đánh giá phương pháp, sau đó trả lời Bộ. Thành lập một tổ Phục Hồi Chức Năng ngay tại bệnh phòng C4 với 2 kĩ thuật viên và một số phương tiện dụng cụ đơn giản, mục đích cho bệnh nhân được luyện tập, phục hồi ngay tại giường và tại phòng bệnh… Phát hiện và nghiên cứu một số bệnh xương lần đầu ở miền Bắc Việt Nam: Gia đình có 4 người con mắc bệnh Morquio ở Quảng Bình (là bệnh di truyền, rối loạn chuyển hóa chất MPS (mucopolysaccharides) là thành phần cơ bản cấu tạo mô xương. Cùng BS Mai Thế Trạch mô tả bệnh nhân mắc bệnh Seckel (người phích) làm xôn xao dư luận một thời, sau này khi cháu mất đã được ướp xác ở một số cơ sở khoa học … Quan hệ quốc tế: Trong thời gian này có 2 GS người Pháp chuyên khoa Thấp khớp sang thăm bệnh viện Bạch Mai và làm việc với C4; GS J.P. Camus và GS Francis Kahn đến từ bệnh viện Lariboisière Paris, đây là những đảng viên CS Pháp rất nhiệt tình ủng hộ VN chống Mỹ, các ông đã tổ chức nhiều buổi báo cáo chuyên môn và gửi tặng nhiều tài liệu, sách báo chuyên đề Thấp Khớp của Pháp và quốc tế cho bv Bạch Mai… Bước đầu định danh tiếng Việt một số các bệnh CXK và lập bảng phân loại các bệnh CXK (dựa vào Từ điển Y học Pháp Việt, dựa vào các tài liệu nước ngoài của Pháp và Anh). Một số nội dung còn được sử dụng cho đến ngày nay. Tổng kết đặc điểm của 100 bệnh nhân VKDT ở bệnh viện Bạch Mai (đăng trong Tạp chí Y học Việt Nam năm 1974). Cũng kể từ đây địa chỉ C4 gắn với chuyên khoa Cơ Xương Khớp, địa chỉ này tồn tại cho đến 1976 khi chuyển về C7.
2. Giai đoạn thành lập và phát triển
C7 khoa Cơ Xương Khớp bệnh viện Bạch Mai.
Năm 1976: Bộ trưởng Bộ Y tế – Giáo sư Vũ Văn Cẩn đã ra quyết định thành lập các khoa chuyên ngành độc lập tách khỏi khoa Nội và trực thuộc bệnh viện Bạch Mai. Trong đó khoa Cơ xương khớp được chính thức thành lập và đặt ở phòng C7, trưởng khoa là bác sĩ Trần Ngọc Ân. Đánh dấu một bước ngoạt, một dấu son cho sự phát triển chuyên khoa Thấp khớp học không chỉ tại bệnh viện Bạch Mai mà còn là tiền thân của Hội Thấp khớp học và chuyên ngành Thấp hợp học trên toàn quốc.
Từ năm 1976 – 1980: nhằm đảm bảo các chức năng phục vụ bệnh nhân mắc bệnh cơ xương khớp, khoa khớp C7 đã đưa vào hoạt động phòng tiêm khớp, phòng lý liệu pháp, phòng xét nghiệm chuyên khoa. Các xét nghiệm như Waaler-Rose, test Latex đã được triển khai. Điều trị nội khoa kết hợp điều trị Phục hồi chức năng cho các bệnh nhân cơ xương khớp đã mang lại hiệu quả tích cực.. Các thầy thuốc gồm có BS Trần Ngọc Ân, BS Hoàng Đình Thụ, BS Đặng Ngọc Trúc, BS Hà Thị Nhung, BS Nguyễn Thị Cẩm Châu, Bs Đoàn Minh Châu, BS Tạ Diệu Yên. Y tá bao gồm y tá trưởng Nguyễn Thị Lệnh, y tá Dương Thị Trường, Đặng Thanh Phương, Đặng Thị Tám, Nguyễn Thị Thoàn, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Sâm, Nguyễn Văn Trường; hộ lý gồm Nguyễn Thị Hoàn, Nguyễn Minh Châu.
Từ năm 1980 – 1990: là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của khoa về khoa học, chuyên môn, đào tạo. Năm 1981, BS Trần Ngọc Ân đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ đầu tiên thuộc chuyên ngành Cơ xương khớp tại Việt Nam. Đặc biệt khoa là cơ sở thực hành của trường Đại học Y Hà Nội đào tạo được nhiều thế hệ học trò là những nghiên cứu sinh, nội trú chuyên khoa, cao học và nhiều thế hệ sinh viên. Nghiên cứu sinh đầu tiên thuộc chuyên ngành cơ xươ ng khớp đượ c đào tạo tại Tiệp Khắc là TS Cao Thị Nhi, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm1986. Năm 1980, luận văn tốt nghiệp bác sỹ Nội trú đầu tiên của khoa là bác sĩ Minh Ngà thuộc chuyên ngành Cơ xươ ng khớp đã đượ c bảo vệ thành công, sau đó là bác sĩ nội trú Vân Anh, Bs Đặng Kim Oanh. Tiếp theo, năm 1985, BS Nguyễn Thị Ngọc Lan bảo vệ luận văn tốt nghiệp bác sỹ Nội trú với đề tài “ Nghiên cứu đặc điểm dịch khớp gối trong một số bệnh khớp thườ ng gặp”. Công tác đào tạo nguồn nhân lực luôn được khoa chú trọng và phát triển không ngừng để từ đó liên tục bổ sung đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho khoa từ các thế hệ nghiên cứu sinh, bác sĩ nội trú, cao học. Danh từ khoa Khớp C7 đã được biết đến trên cả nước như một thương hiệu. Các bác sĩ của khoa thời kỳ này gồm: TS. Trần Ngọc Ân, Bs Đặng Ngọc Trúc, Bs Hà Thị Nhung, Bs Nguyễn Cẩm Châu, Bs Đoàn Minh Châu, Bs Cao Thị Nhi, Bs Trần Thị Thịnh, Bs Tạ Diệu Yên, Bs Trần Thị Minh Hoa, Bs Nguyễn Thị Nga, Bs Nguyễn Thị Ngọc Lan, Bs Nguyễn Mai Hồng, Bs Nguyễn Vĩnh Ngọc, Bs Vũ Thị Thanh Thủy… những con người mà hiện nay đã trở thành những giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành Thấp khớp học, đã đóng góp công sức tích cực trong xây dựng, phát triển khoa Cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai nói riêng và chuyên ngành Thấp khớp học trên toàn quốc nói chung. Ở giai đoạn này y tá được bổ sung thêm như Hoàng Thúy Vân, Dương Hồng Kiều, Giang Minh Ngà, Đỗ Xuân Quang, Trần Ngọc Hưng, Đinh Tuyết Lưu, Đỗ Thu Hương; Hộ lý gồm Nguyễn Thị Thảnh, An Thị Phượng, Nguyễn Thị Sao. Trong giai đoạn này nhiều bác sĩ của khoa được cử đi công tác, học tập nâng cao trình độ trong nước và quốc tế: Ts Trần Ngọc Ân được cử vào Đại học Tây Nguyên giảng dậy từ năm 1985 –1987 và công tác tại nước Cộng hòa Angola. Năm 1983 Bs Cao Thị Nhi trúng tuyển nghiên cứu sinh tại Tiệp Khắc, Bs Đặng Ngọc Trúc cũng thực tập 2 năm tại Tiệp Khắc. Bs Tạ Diệu Yên học bổ túc sau đại học tại Nga.
Từ năm 1990 – 2000: khoa Cơ xương khớp tiếp tục phát triển về chuyên môn, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Ở giai đoạn này nhân lực được tiếp tục bổ sung thêm các bác sĩ nội trú chuyên khoa Cơ xương khớp như bs Đào Hùng Hạnh, bs Nguyễn Đình Khoa, Bs Nguyễn Văn Hùng là bác sĩ nội trú chuyên khoa Tiêu hóa và Bs Trần Hoài Dương, Bs Trần Thị Tô Châu. Đội ngũ y tá cũng được tăng cường gồm Ông thị Nghĩa, Trịnh Tú Hoa, Nguyễn Thị Thập, Ngô Xuân Trường, Nguyễn Tú Anh, Nguyễn Diệu Hương.
Năm 1991: Hội Thấp khớp học Hà Nội được thành lập do GS Trần Ngọc Ân là chủ tịch hội, lấy trụ sở là khoa Cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai. Đây là tiền thân của Hội Thấp khớp học Việt Nam nhằm phát triển mạng lưới cán bộ chuyên ngành Thấp khớp học trên toàn quốc.
Ngày 10/10/1992: Hội thấp khớp học Việt Nam được chính thức thành lập theo quyết định của Chính phủ và đặt trụ sở chính tại khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai. Hội quy tụ hơn 200 bác sĩ làm công tác Thấp khớp học trên toàn quốc trong đó cán bộ khoa Cơ xương khớp là nòng cốt và giáo sư Trần Ngọc Ân là Chủ tịch Hội.
Từ năm 1994: Hội Thấp khớp học Việt Nam là thành viên chính thức của Hội Thấp khớp học Châu Á Thái Bình Dương (APLAR). Cán bộ của Khoa Cơ xương khớp thường xuyên tham dự các hội nghị Thấp khớp học thế giới (ILAR), hội nghị Thấp khớp học Châu Âu (EULAR), hội nghị Thấp khớp học Mỹ (ACR).
Từ năm 1995: Giáo sư Trần Ngọc Ân được Bộ Bộ Y tế quyết định bổ nhiệm là giám đốc Bệnh viện E và tiếp tục kiêm nghiệm Trưởng khoa Cơ xương khớp, bệnh viện Bạch Mai. Để tăng cường cho công tác quản lý khoa khớp thời gian này, các cán bộ được bổ nhiệm phó trưởng khoa là BS Nguyễn Thị Cẩm Châu và sau đó là TS Cao Thị Nhi tiếp tục lãnh đạo khoa Cơ xương khớp không ngừng phát triển. Trong giai đoạn này, công tác đào tạo và hợp tác quốc tế phát triển vượt bậc góp phần tích cực thúc đẩy trình độ chuyên môn của đội ngũ nhân lực, là yếu tố quan trọng góp phần phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành của Khoa Cơ xương khớp và cũng là của ngành Thấp khớp học Việt Nam. GS Trần Ngọc Ân cùng Hội thấp khớp học Việt Nam mà trụ cột là các bác sĩ khoa Cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai đã đặt mối quan hệ với Hội Thấp khớp học Châu Âu (EULAR), Hội Thấp khớp họ Pháp (SER), Hội Thấp khớp học Thế giới (ILAR) để cử cán bộ tham dự hội nghị cũng như mời các chuyên gia hàng đầu về Thấp khớp học trên Thế giới về Việt Nam giảng dậy và trao đổi chuyên môn. Khoa tiếp tục hợp tác và cử cán bộ đi tu nghiệp tại nước ngoài như: Bs Vũ Thị Thanh Thủy đi thực tập tại Royal Melbourne hospital và – North Shore Hospital Australia, tham gia hội nghị Loãng xương Thế giới và là thành viên của Hội Loãng xương Thế giới (IOF), là cán bộ nòng cốt xây dựng Hội loãng xương Hà Nội ngày nay và là Chủ tịch Hội từ ngày thành lập năm 2006 cho đến nay. Bs Nguyễn Thị Ngọc Lan tu nghiệp bác sĩ nội trú tại cộng hòa Pháp 2 năm (năm 1991 và 1999), đã học tập và ứng dụng triển khai được các kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh và trong giảng dậy cho các đối tượng sinh viên, học viên sau đại học nhiều thế hệ. Tiếp sau đó là Bs Nguyễn Mai Hồng là thực tập sinh tại Khoa khớp và miễn dich, trường đại học y khoa Mariana Kawasaki, Nhật bản vào năm 1995-1997 và tu nghiệp bác sĩ nội trú tại trường Đại học y khoa Marseille và bệnh viện Conception, cộng hòa Pháp năm 2000. Năm 1994-1996, Bs Trần Thị Minh Hoa được cử sang Nhật là thực tập sinh tại Khoa khớp và miễn dich, trường đại học y khoa Mariana Kawasaki, Nhật bản. Bs Nguyễn Vĩnh Ngọc sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa khoa số 1 Sechenov, Matxcơva, Liên Xô cũ, bs về công tác tại khoa Khớp và tiếp tục được đào tạo tại Cộng hòa Pháp là bác sĩ nội trú, thực tập sinh vào các năm 1992, 1999, 2001 và 2006. Tiếp tục mối quan hệ quốc tế với trường đại học y khoa Mariana Kawasaki, Nhật bản, bs Nguyễn Đình Khoa là bác sĩ tiếp theo của khoa được cử sang làm thực tập sinh từ năm 1997, sau khóa thực tập sinh này bác sĩ Khoa đã tiếp tục trúng tuyển vào thực tập sinh sau đại học, nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến si y học tại đại học New York University School of Medicine, Hoa Kỳ từ năm 1999-2007. Trong những năm này, bs Đào Hùng Hạnh cũng trúng tuyển bác sĩ nội trú và nghiên cứu sinh tại Cộng Hòa Pháp và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ y học tại cộng hòa Pháp năm 2003.
Từ năm 2000 – 2016: Trong xu hướng hội nhập toàn cầu, nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời đây là kỷ nguyên của khoa học ứng dụng những thành tựu kỹ thuật như chẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật nội soi, công nghệ sinh học phân tử đã làm sáng tỏ cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh lý thấp khớp học từ bệnh lý viêm tự miễn dịch đến các bệnh thoái hóa, loãng xương… Từ đó, ứng dụng trong sản xuất các thuốc tác động theo cơ chế đích như tác nhân sinh học đã đem lại hiệu quả điều trị rất tích cực cho những bệnh nhân mắc các bệnh cơ xương khớp.
Năm 2000: khoa Cơ xương khớp C7 đã được chuyển về địa điểm mới khi tòa nhà P (nhà Việt Nhật) đi vào hoạt động. Một địa đỉ mới được tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng người dân cũng như đội ngũ y bác sĩ không những trong bệnh viện mà cả trên toàn quốc đó là Khoa Cơ xương khớp, tầng 2, nhà P, bệnh viện Bạch Mai.
Từ năm 2000 – 2006: giai đoạn này GS Trần Ngọc Ân tiếp tục làm giám đốc Bệnh viện E, đồng thời là trưởng khoa Cơ xương khớp, bệnh viện Bạch Mai. Các cán bộ được tiếp tục bổ nhiệm vào vị trí phó trưởng khoa là TS Vũ Thị Thanh Thủy và TS Nguyễn Thị Ngọc Lan. Trong giai đoạn này khoa được tăng cường thêm đội ngũ bác sĩ là các bác sĩ nội trú Nguyễn Phương Thủy (từ khoa Thận Tiết niệu), bác sĩ nội trú Bùi Hải Bình, bác sĩ nội trú Hoàng Văn Dũng. Đông thời Khoa vẫn tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ nghiên cứu sinh, bác sĩ chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú, cao học…. trong đó có bác sĩ nội trú Huỳnh Văn Khoa, sau khi tốt nghiệp đã chuyển vào khoa Khớp bệnh viện Chợ Rẫy công tác cho đến nay. Đội ngũ điều dưỡng tiếp tục được bổ sung như Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Tiến Vinh, Nguyễn Đức Ngọc, Trần Thị Thu Hà, Đinh Thu Trang, Trần Như Hằng, Lê Thị Thanh Vân, Lê Thị Hòa, Nguyễn Thị Hương Mai, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Cao Thị Tươi. Hộ lý gồm: Vũ Thị Hiền.
Từ 2006 – 2009: giai đoạn này PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy được bổ nhiệm trưởng khoa Cơ xương khớp và PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan tiếp tục là phó trưởng khoa và ĐD Đặng Thị Tám, ĐD Đỗ Thu Hương là điều dưỡng trưởng. Trong giai đoạn này khoa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, phát triển tốt công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Các bác sĩ trong khoa luôn là nòng cốt của Hội Thấp khớp học Việt Nam, Hội Loãng xương Hà Nội. Năm 2006, Hội Loãng xương Hà Nội được quyết định thành lập và PGS.TS Vũ Thị Thanh Thủy là Chủ tịch Hội. Năm 2008, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu thực hiện Nghị định 43 về khoán quản kinh tế, một số khoa phòng bắt đầu áp dụng hình thức khoản quản này, tự hạch toán kinh tế, trong đó có khoa Khớp. Những ngày đầu thực hiện công tác khoán quản còn rất nhiều bỡ ngỡ, bác bác sĩ, điều dưỡng trước đây chỉ biết làm công tác chuyên môn, nay lại phải học tập thêm, kiêm nhgiệm thêm về công tác quản lý tài chính. Áp lực nặng nề hơn đối với lãnh đạo đơn vị, không chỉ phải lo phát triển chuyên môn mà còn phải lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ nhân viên. Tuy nhiên, chỉ trong 1 năm đầu thực hiện khoán quản, Khoa Cơ xương khớp không ngừng phát triển mạnh về chuyên môn, số lượng bệnh nhân tăng lên cả nội trú và ngoại trú. Các bác sĩ và điều dưỡng tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn. Đời sống vật chất được cải thiện rõ rệt, thu nhập tăng thêm ngoài lương (ABC) cao gấp gần 2 lần lương. Giai đoạn này nhu cầu phát triển về kỹ thuật là rất lớn, ứng dụng những kỹ thuật vào chẩn đoán và điều trị là rất quan trọng và hiệu quả như kỹ thuật siêu âm và thủ thuật dưới hướng dẫn siêu âm đã đem lại hiệu quả to lớn trong công tác khám chữa bệnh Cơ xương khớp. Năm 2008, Khoa Khớp được bệnh viện Bạch Mai cung cấp cho một máy siêu âm và khoa đã tiếp nhận bs Lê Thị Liễu là bác sĩ cao học tốt nghiệp tại khoa có trình độ chuyên môn sâu về siêu âm đảm nhiệm công tác kỹ thuật và đào tạo về siêu âm cơ xương khớp cho đội ngũ bác sĩ trẻ sau này. Trong giai đoạn này khoa tiếp tục bổ sung nhân lực như: bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thanh Mai, bác sĩ nôi trú Nguyễn Thị Nga và bs Trần Phương Hải. Điều dưỡng cũng tiếp tục được bổ sung gồm: Nguyễn Thị Hiền Minh, Bùi Minh Phượng (từ khoa Truyền Nhiễm), Phạm Thúy Mai (từ phòng Điều dưỡng) và Trần Thị Ngọc Xuyến (từ khoa Nhi).
Từ 2009-2013: đây được coi là giai đoạn chín muồi về chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ nhân lực trong khoa. Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử và kỹ thuật hình ảnh trong y học mà khoa Cơ xương khớp đã thực hiện được nhiều thành tựu trong thực hành lâm sàng cũng như nghiên cứu khoa học và đào tạo. Giai đoạn này PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Lan được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng khoa cùng TS Nguyễn Mai Hồng và PGS.TS Trần Thị Minh Hoa là phó trưởng khoa, CN Trần Thị Ngọc Xuyến là Điều dưỡng trưởng đã lãnh đạo khoa tiếp tục phát triển vượt bậc. Các kỹ thuật mũi nhọn được nghiên cứu ứng dụng và triển khai thành công như: nghiên cứu hiệu quả của liệu pháp huyết tương giầu tiểu cầu tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối là đề tài tốt nghiệp nghiên cứu sinh của TS Bùi Hải Bình, đề tài nghiên cứu về hiệu quả của tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp gối cũng đã được nghiệm thu thành công và ứng dụng thường quy hiện nay là đề tài tốt nhgiệp nghiên cứu sinh của TS Phạm Hoài Thu. Nhiều đề tài nghiên cứu về giá trị chẩn đoán cũng như hiệu quả điều trị của nội soi khớp gối, siêu âm khớp và ứng dụng siêu âm trong hướng dẫn thủ thuật cũng đã được triển khai và áp dụng trong thực hành hàng ngày. Bên cạnh những phát triển kỹ thuật mũi nhọn, công tác đào tạo đội ngũ nhân lực luôn được chú trọng, ngoài đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ trong khoa, Khoa Cơ xương khớp còn là nòng cốt của Hội Thấp khớp học Việt Nam, là đơn vị đào tạo của Đại học Y Hà Nội. Do đó, trong giai đoạn này những phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh lý Cơ xương khớp đã được các bác sĩ trong khoa là lực lượng nòng cốt xây dựng, hoàn thiện, được Bộ Y tế phê duyệt là phác đồ chuẩn sử dụng cho toàn quốc từ năm 2009. Bên cạnh đó, Khoa đã xây dựng 15 khung chương trình đào tạo nằm trong khuôn khổ các chương trình đào tạo liên tục của bệnh viện Bạch Mai, hàng năm đào tạo hàng trăm lượt học viên cho các khóa học: chẩn đoán và điều trị bệnh cơ xương khớp; siêu âm khớp; tiêm khớp; đọc kết quả đo mật độ xương; chăm sóc bệnh nhân cơ xương khớp… Trong giai đoạn này, khoa không những phát triển mạnh mẽ về công tác chuyên môn mà còn đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn ISO 9001-2008, Khoa đã xây dựng các quy trình chuyên môn kỹ thuật và được cơ quan quản lý chất lượng Quacert Việt Nam cấp chứng nhận và đi vào ứng dụng thực tế trong công tác chuyên môn hàn ngày đem lại chất lượng dịch vụ tốt hơn trong khám chữa bệnh. Giai đoạn này đội ngũ nhân lực được bổ sung gồm: Bs nội trú Tạ Thị Hương Trang, Bs Trần Ngọc Tùng, Bs nội trú Nguyễn Thị Như Hoa, Bs nội trú Phạm Hoài Thu, Bs nội trú Nguyễn Thị Hiền, Bs nội trú Phạm Thị Minh Nhâm. Điều dưỡng gồm: Lê Đức Cảnh, Kiều Lan Hương, Đỗ Thị Thanh Huyền, Trần Thanh Thủy, Trần Văn Hải, Lê Thị Hồng Lê, Lê Huy Hoàng, Hoàng Kim Anh, Dương Thanh Huyền.
Từ 2013-2016: giai đoạn này PGS.TS Nguyễn Mai Hồng được bổ nhiệm trưởng khoa Cơ xương khớp, PGS.TS Trần Thị Minh Hoa tiếp tục giữ chức vụ phó trưởng khoa. Năm 2015, TS Nguyễn Văn Hùng và TS Trần Thị Tô Châu được bổ nhiệm là phó trưởng khoa, CN. Trần Thị Ngọc Xuyến tiếp tục là Điều dưỡng trưởng. Nhân lực được bổ sung gồm: Bs nội trú Nguyễn Thị Hạnh, Bs Đào thị Thanh Nhạn, Bs nội trú Trần Huyền Trang, Bs nội trú Nguyễn Ngọc Bích, Bs nội trú Hoàng Thị Thu Trang. Điều dưỡng gồm: Phạm Tuyết Mai, Nguyễn Thị Luyến, Đỗ Thị Lan Hương, Trần Thị Minh Anh, Đỗ Thị Thúy Hằng, Nguyễn Cẩm Anh, Phạm Anh Đức. Giai đoạn này, khoa Cơ xương khớp tiếp tục phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế, luôn là đơn vị tiên phong, là nòng cốt của Hội Thấp khớp học Việt Nam trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, đào tạo và chỉ đạo ngành. Công tác chuyên môn tiếp tục được phát triển, các kỹ thuật mũi nhọn được thúc đẩy, xây dựng thành quy trình và áp dụng thường quy như kỹ thuật nội soi khớp, siêu âm khớp, liệu pháp huyết tương giầu tiểu cầu, liệu pháp tế bào gốc mô mỡ tự thân. Các kỹ thuật được nâng cao cả về số lượng bệnh nhân áp dụng cũng như chất lượng. Đặc biệt trong giai đoạn này, ngoài tiếp tục phát triển chuyên môn kỹ thuật, các cán bộ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, đời sống vật chất được nâng cao rõ rệt, nhờ những ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng như uy tín chuyên môn mà người bệnh đến khám và điều trị tại khoa ngày càng gia tăng cả nội trú và ngoại trú. Phòng tái khám bắt đầu hoạt động có hiệu quả và đi vào quy náp, nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng chuyên môn, số lượng bệnh nhân tái khám ngày một đông, thúc đẩy số lượng các kỹ thuật, thủ thuật trong khoa, tăng sự hài lòng của người bệnh đối với khoa.Từ năm 2016 đến nay: Trong giai đoạn này khoa Cơ xương khớp đã ứng dụng và triển khai thành công và thường quy các kỹ thuật chuyên sâu trong chuyên ngành như: nội soi khớp, siêu âm khớp, các thủ thuật dưới hướng dẫn của nội soi khớp và siêu âm khớp, sử dụng liệu pháp huyết tương giầu tiểu câu tự thân, liệu pháp tế bào gốc mô mỡ tự thân trong điều trị thoái hóa khớp. Đồng thời ở giai đoạn này phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo đại học, sau đại học, chỉ đạo tuyến, xây dựng và phát triển các chương trình dạy học của các đối tượng sinh viên điều dưỡng, sinh viên đại học, sau đại học, các lớp đào tạo liên tục chỉ đạo tuyến. Các bác sĩ trong khoa là tác giả của các phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh lý cơ xương khớp hiện đang được áp dụng trên toàn quốc. Năm 2016, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng khoa, TS Trần Thị Tô Châu tiếp tục là phó trưởng khoa. Năm 2018 và đầu năm 2019, bệnh viện đã bổ nhiệm bổ sung TS Lê Thị Liễu và TS Nguyễn Phương Thủy giữ chức vụ phó trưởng khoa. Ths. Trần Thị Ngọc Xuyến tiếp tục là điều dưỡng trưởng. Từ đầu những năm 2000, khoa chỉ có tổng số hơn 30 cán bộ (trong đó có hơn 10 bác sĩ, 20 điều dưỡng và hộ lý), cho đến nay khoa đã có hơn 70 cán bộ nhân viên (trong đó có 25 bác sĩ), đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng với sự chuyển mình lớn mạnh, đáp ứng tốt với nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Các bác sĩ và điều dưỡng đã đủ lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn này được bổ sung nhân lực gồm: Bs nội trú Phùng Đức Tâm, Bs nội trú Nguyễn Thị Hạnh, Bs nội trú Nguyễn Đức Phong, Bs nội trú Phạm Ngọc Dương. Điều dưỡng gồm: Lê Thị Châu, Trần Thị Ngọc Ánh, Trương Thu Trang, Phạm Văn Chung, Lê Thị Diệp, Nguyễn Thị Bắc, Đoàn Thị Hải Yến, Vũ Thị Hương Ly, Mai Thị Vân Anh, Mai Đức Hạnh, Phạm Thị Dịu, Nguyễn Thị Hương Thủy (từ khoa Cấp cứu). Hộ lý gồm: Nguyễn Thị Thúy, Phạm Thị Hằng và Đỗ Thúy Linh. Khoa Cơ xương khớp tiếp tục phát triển mạnh mẽ dựa trên sự kế thừa của truyền thống đồng thời ứng dụng những khoa học kỹ thuật mới, phát triển chuyên môn đi đôi với công tác nghiên cứu khoa học. Trong giai đoạn này không chỉ đội ngũ bác sĩ phát triển mạnh mẽ công tác nghiên cứu khoa học, mà đội ngũ điều dưỡng trong khoa đã có sự tiến bộ vượt bậc trong công tác nghiên cứu khoa học, từ đó ứng dụng vào công tác chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Hàng năm, khoa Cơ xương khớp triển khai gần 20 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở bệnh viện Bạch Mai. Các bác sĩ trong khoa tích cực học tập nâng cao trình độ, mỗi năm có 1-2 bác sĩ tốt nghiệp nghiên cứu sinh, nhiều bác sĩ đang theo học nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Đội ngũ điều dưỡng cũng rất tích cực học tập và nghiên cứu, trong khoa đã có 1 thạc sĩ điều dưỡng và đang theo học nghiên cứu sinh về điều dưỡng tại Thái Lan, một số điều dưỡng cũng đang theo học chương trình thạc sĩ điều dưỡng, phần lớn điều dưỡng trong khoa đã và đang học chương trình cử nhân điều dưỡng tại các trường đại học y. Từ năm 2017, nhờ sự ủng hộ của Hội điều dưỡng Việt Nam và Phòng điều dưỡng bệnh viện Bạch Mai, đội ngũ điều dưỡng trong khoa đã tổ chức thành công hội nghị khoa học chuyên đề điều dưỡng cơ xương khớp tại bệnh viện Bạch Mai, là nòng cốt phiên điều dưỡng của hội nghị khoa học toàn quốc hội Thấp khớp học Việt Nam năm 2018. Đây là dấu mốc đáng tự hào của đội ngũ điều dưỡng trong khoa đã nỗ lực phấn đấu và trưởng thành. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển, Khoa Cơ xương khớp bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng nên một thương hiệu, một địa chỉ đáng tin cậy trong công tác khám chữa bệnh cho người dân trên toàn quốc. Đồng thời là đơn vị đứng đầu, nòng cốt của Hội Thấp khớp học Việt Nam, là cái nôi đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành cơ xương khớp cho toàn quốc. Hiện tại khoa Cơ xương khớp đã đủ lớn mạnh để lên Trung tâm Cơ xương khớp, một đơn vị đầu ngành của toàn quốc và hướng tới hội nhập quốc tế.